Bé không chịu uống thuốc phải làm sao? BÍ QUYẾT cho mẹ

Các gia đình có trẻ nhỏ rất sợ con bị ốm, bị bệnh. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ mà áp lực lớn hơn nữa đó là cho con uống thuốc. Hầu hết các bé đều sợ, ghét và không tự nguyện uống thuốc khi bị ốm. Chúng sẽ quấy khóc, náo loạn để không phải uống. Nếu cố ép thì có thể gây sặc, nôn. Đấy là những bà mẹ nuôi con lần đầu chưa có kinh nghiệm. Trong bài viết này các chuyên gia sẽ chia sẻ cho bạn bé không chịu uống thuốc phải làm sao:

Lý do khiến các bé nhỏ không chịu uống thuốc

Trẻ sợ thuốc là tình trạng chung rất thường gặp mỗi khi chúng bị ốm. Nguyên nhân được giải thích là do :

  • Phần lớn các thuốc đều có vị đắng rất khó uống. Nhất là một số thuốc thường hay kê cho trẻ nhỏ như các loại kháng sinh.
  • Kích thước viên thuốc lớn, trẻ khó nuốt.
  • Một số ba mẹ nói dối về thuốc đắng thì bảo là ngọt. Trẻ uống rồi không đúng tạo nên tâm lý kháng cự.

Vị không ngon và hấp dẫn như kẹo nên hấu hết các bé đều có thái độ chống đối mỗi khi uống thuốc. Một số trẻ cứ thấy bố mẹ mang thuốc ra hoặc sau khi uống thuốc thì cố ọe lấy ọe để nhằm nôn ra viên thuốc. Việc uống này sẽ càng trở nên khó khăn hơn nếu bố mẹ không biết cách, không mềm mỏng mà thay vào đó là dọa nạt, quát mắng. Từ đó sẽ tạo nên hàng rào tâm lý cho trẻ càng khiến con bạn sợ thuốc hơn nữa.

Trẻ nhỏ thường không thích uống thuốc
Trẻ nhỏ thường không thích uống thuốc

Mẹo hay để giúp bé uống thuốc dễ dàng hơn

Bé không chịu uống thuốc phải làm sao có là thắc mắc của nhiều bậc phụ huynh hiện nay? Để trẻ hợp tác hơn khi uống thuốc, tránh được tình trạng nôn ọe thì chúng ta phải dựa vào kinh nghiệm và các mẹo. Cụ thể như sau:

Chuẩn bị thật tốt tâm lý cho bé

Điều này thường bị xem nhẹ. Đối với bé đã có nhận thức thì tốt nhất ba mẹ nên có bước chuẩn bị tâm lý trước khi cho bé uống thuốc. Gợi ý cho bạn một cách sẽ khiến bé thay đổi thái độ đối với thuốc đó chính là cho con chơi trò bác sĩ. Con sẽ đóng vai bác sĩ, bố mẹ ở bên cạnh hướng dẫn con khám cho búp bê. Sau đó là kê thuốc và cho búp bê uống. Từ đó giải thích cho con rằng có bệnh thì nên uống thuốc. Uống thuốc vào giúp con hết đau bụng, hết sốt, hết ho… Con hiểu được và tất nhiên sẽ có những trẻ đồng ý uống thuốc ngay sau đó một cách dễ dàng.

Tạo ra các sự lựa chọn để cho bé được chọn

Thường thì khi bị ốm bé sẽ mất khả năng kiểm soát và trở nên chậm chạp hơn trong suy nghĩ. Lúc này chúng ta sẽ đưa ra các sự lựa chọn để cho bé được đưa ra ý kiến của mình. Kể cả việc uống thuốc không phải là điều mong muốn nhưng tinh tế một chút thì sẽ khiến trẻ tự nguyện uống. Một số ví dụ mà bạn có thể áp dụng như:

Cho con lựa chọn giữa việc uống trong chiếc cốc yêu thích của mình hay uống trong ống, thích uống ở trong nhà hay ngoài sân, uống bây giờ hay một lúc nữa, tự uống hay mẹ/ bố/ ông bà/ anh chị / người yêu quý giúp… Như vậy kể cả lựa chọn cuối cùng của bé là gì thì chúng ta cũng đạt được mục đích của mình là bé uống thuốc tự nguyện. Hãy tạo tâm lý rằng uống thuốc không phải là việc bị bắt buộc và bé thoải mái lựa chọn. Nhưng hãy đảm bảo rằng bé uống thuốc dưới sự giám sát của người lớn.

Thay đổi cách tiếp cận của thuốc đối với bé

Các nhà sản xuất biết được đặc điểm sử dụng thuốc ở trẻ em nên đã nghiên cứu ra nhiều dạng bào chế phù hợp nhất với đối tượng này. Ngoài các loại thuốc dạng truyền thống như viên nén, viên nang… thì có các dạng khác như siro, kẹo ngậm, thuốc nhiều màu sắc bắt mắt… để tạo hứng thú với bé. Cùng một loại hoạt chất nhưng cha mẹ có thể chọn dạng bào chế thích hợp cho con ví dụ như dùng dạng lỏng thay vì dạng viên, đặt hậu môn thay vì uống… Thay vì cầm viên thuốc trên tay tại sao chúng ta không để chúng vào những chiếc hộp hình thù, màu sắc hấp dẫn trẻ để tạo hứng thú giúp bé không còn sợ thuốc nữa.

Đối với dùng thuốc dạng lỏng thì phụ huynh nên dùng bơm tiêm thay vì dùng muỗng nhất là đối với trẻ sơ sinh. Khi bơm nên bỏ đầu nhọn ra. Nhỏ từng giọt dưới lưỡi, đừng cho quá nhiều thuốc vào sâu bên trong má. Nếu trẻ quấy khóc thì chỉ nên bơm thuốc ở vùng răng hoặc nướu . Tránh việc bơm mạnh thuốc vào trong miệng bé dẫn đến tình trạng sặc, chất lỏng đi vào khí quản gây nghẹt thở nguy hiểm đến tính mạng.

Để trẻ chủ động uống thuốc một cách tự nguyện phải có mẹo
Để trẻ chủ động uống thuốc một cách tự nguyện phải có mẹo

Thay đổi mùi vị cho thuốc nếu thuốc quá đắng

Thuốc đắng là một trong những lý do chủ yếu khiến trẻ bài trừ với việc uống thuốc. Để cải thiện tình trạng này bạn có thể áp dụng một số mẹo dưới đây

  • Để trẻ ngâm kem que một lúc trước khi uống nhằm làm tê đầu lưỡi, giảm vị đắng khi uống thuốc.
  • Cho thuốc vào tủ lạnh để giảm nhiệt độ cũng là cách là giảm mùi vị.
  • Trộn thuốc với một số loại có hương vị dễ uống như siro, bột sô cô la… Nhưng tất nhiên phải tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi trộn để tránh tương tác thuốc có hại.
  • Pha loãng thuốc càng nhiều càng tốt như pha với sữa hay nước ép nhằm làm mất vị đắng của thuốc. Bé sẽ uống một cách tự nhiên giống như vẫn uống sữa hay nước ép bình thường. Và cũng vẫn phải hỏi ý kiến bác sĩ khi pha với chất lỏng khác.
  • Với thuốc viên thì cũng có thể nghiền nhỏ rồi trộn với thực phẩm yêu thích của bé ăn hàng ngày như sữa chua, kem…
  • Chuẩn bị sẵn món ăn yêu thích cho bé để ngay sau khi uống bé được ăn nhằm quên vị đắng, tránh tình trạng nôn ói.
  • Đừng quên dành tặng bé những lời động viên, cổ vũ có cánh để khích lệ tinh thần cho lần sau.

Chia nhỏ lượng thuốc

Với người lớn chúng ta thì việc uống cả một vốc thuốc là điều rất bình thường. Nhưng với trẻ em thì dù chỉ vài viện cũng là cả một sự cố gắng. Nên nếu trẻ phải uống nhiều loại thuốc hay số lượng nhiều thì tốt nhất cha mẹ nên chia nhỏ thành nhiều lần để cho dễ uống. Hoặc uống một cách từ từ trong vòng vài phút nếu cần thiết chứ không nên ép bé uống hết trong một lần. Trong những khoảng thời gian ngắt quãng đó thì dùng các loại thực phẩm bé thích mang ra dụ dỗ. Nhưng nên nhớ không nên cho bé ăn quá nhiều vì khi nó càng khó uống thuốc hơn.

Khi uống thuốc nên tránh vùng lưỡi đặc biệt là đầu lưỡi

Lưỡi là nơi tập trung của những tế bào cảm nhận vị giác. Bởi vậy để giảm cảm nhận đắng của con về thuốc uống thì tốt nhất khi cho con uống các mẹ nên tránh vùng lưỡi, đặc biệt là đầu lưỡi. Thay vào đó mẹ nên cho thuốc vào vùng bên má một cách từ từ. Còn đối với thuốc viên thì nên dặn bé là cho vào miệng cái uống nước và nuốt luôn, không nên liếm thử.

Dạy cho bé cách nuốt thuốc

Nhiều bé không biết cách nuốt thuốc, khi cho thuốc và trong miệng và bị giữ lại trong một khoảng thời gian lâu, thuốc tan ra thì vị đắng càng rõ ràng. Những lần sau khi cho bé uống sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều. Bởi vậy dạy bé cách nuốt là điều vô cùng cần thiết. Bắt đầu với những viên kẹo nhỏ. Đối với thuốc nang mẹ hãy nhúng vào nước lạnh cho thuốc trơn, dễ nuốt hơn. Còn thuốc viên nén thì chia nhỏ ra cũng giúp nuốt đơn giản hơn.

Tạo động lực cho bé khi uống thuốc

Để cho bé trở nên hào hứng với việc uống thuốc hơn thì các mẹ hãy đưa ra những phần thưởng nho nhỏ để vừa khích lệ bé khi hoàn thành xuất sắc được việc uống thuốc này. Cụ thể như thưởng bé món ăn yêu thích, cho bé coi chương trình ti vi yêu thích, tặng bé hình dán ngộ nghĩnh, đáng yêu hay mua món đồ chơi. Có một lưu ý đó là nếu đã hứa điều gì thì các mẹ phải cố gắng thực hiện, không nên hứa suông. Phần thưởng nên được cụ thể hóa. Để nếu bé không nghe lời uống thuốc mẹ sẽ tạm thời lấy lại cho đến khi bé có hứng thú với nó và chịu uống thuốc thì mới đưa ra.

Tạo động lực cho bé khi uống thuốc bằng một số cách ví dụ như hứa mua đồ chơi hay mở chương trình bé thích
Tạo động lực cho bé khi uống thuốc bằng một số cách ví dụ như hứa mua đồ chơi hay mở chương trình bé thích

Làm gì khi bé bị nôn sau khi uống thuốc

Nếu trẻ bị nôn sau khi uống vừa uống thuốc xong chúng ta cần làm những điều sau đây:

  • Cho bé xúc miệng lại với nước sạch để tránh vị đắng của thuốc kích thích bé nôn nhiều hơn nữa.
  • Nếu uống thuốc viên thì tìm trong bãi nôn có viên thuốc không. Nếu có thì cho bé nghỉ ngơi, đợi một lúc sau khi tinh thần bé ổn định thì cho uống lại. Còn nếu không tìm thấy tức là thuốc đã vào cơ thể, không phải uống nữa.
  • Nếu uống thuốc dạng lỏng thì quan sát xem nôn nhiều hay nôn ít. Nếu nôn nhiều thì cũng phải uống lại thuốc.

Cách ép bé uống thuốc an toàn

Một số trẻ sẽ có thái độ quyết liệt ngay cả khi bạn đã áp dụng rất nhiều cách cho trẻ hứng thú với việc uống thuốc, giảm mùi vị của thuốc thì chúng ta sẽ cân nhắc lại một số vấn đề như sau:

  • Nếu thuốc thuộc nhóm điều trị hỗ trợ không cần kê toa như thuốc ho, cảm, sốt… thì có thể ngừng lại. Khi không quá chắc chắn về tầm quan trọng của thuốc thì nên hỏi ý kiến bác sĩ có tạm ngưng được không.
  • Với nhóm thuốc điều trị cần thiết đối với bệnh của bé ví dụ như thuốc kháng sinh thì cần giải thích cho bé về mức độ quan trọng của thuốc. Nếu vẫn không được thì phương pháp cuối cùng đó là ép buộc.

Dưới đây là hướng dẫn cách ép bé uống thuốc an toàn:

  • Cần có sự hỗ trợ của một người khác.
  • Một người sẽ thực hiện cố định trẻ bằng cách đặt trẻ vào trong lòng. Hai chân người giữa sẽ kẹp chắc hai chân trẻ. Một tay vòng qua trước ngực trẻ để ôm lấy hai tay trẻ. Tay còn lại thì giữ cho đầu hơi ngửa sang một bên hoặc ngửa ra sau.
  • Người còn lại lấy thuốc đưa vào miệng trẻ.
  • Đặt đầu bơm tiêm nhựa ở giữa răng, bơm từ từ từng ít một thuốc vào dưới lưỡi. Mỗi lần như vậy thả đầu trẻ ra cho đầu thẳng đứng thì mới nuốt được.
  • Tiếp tục thực hiên như vậy cho đến khi hết thuốc.

Những lưu ý khi cho bé uống thuốc

Khi cho bé uống thuốc cần lưu ý những điều sau:

  • Trước khi lấy thuốc cho bé cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng của thuốc và đơn kê của bác sĩ. Dúng đúng liều, đúng giờ, đúng tần suất. Đặt giờ nếu cần để tránh quên cữ thuốc.
  • Hỏi rõ bác sĩ thuốc kê uống trước hay sau ăn.
  • Không cho bé dùng thuốc một cách bừa bãi khi chưa có chỉ định của bác sĩ đặc biệt là đối tượng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Vì một số thuốc chống gây hại, ngộ độc cho trẻ nhỏ.
  • Không nên tự ý tăng hay giảm liều thuốc đang dùng cho bé.
  • Không dùng lại các toa thuốc kê đơn cũ kể cả triệu chứng bệnh có tương tự.
  • Không dùng đơn thuốc cho các trẻ có triệu chứng bệnh tương tự nhau nhưng khác về tuổi tác, cân nặng…
  • Kiểm tra tình trạng thuốc trước khi uống về hạn sử dụng, chất lượng. Bảo quản thuốc đúng cách.
  • Tuyệt đối không bóp mũi trẻ để cho uống thuốc.
  • Không cho trẻ uống thuốc khi đang trong tình trạng khóc, cười hay bị co giật vì dễ gây nghẹt thở.
  • Để thuốc tránh xa tầm tay trẻ em.
  • Không tự ý pha thuốc vào sữa, thức ăn, nước ép khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ.

Trên đây các mẹo giúp bé khi  bé không chịu uống thuốc phải làm sao. Hy vọng những kinh nghiệm này sẽ giúp bà mẹ của chúng ta có thêm kiến thức nuôi con khỏe mạnh.